Khẩn trương hoàn tất thủ tục để vận hành dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án ngăn triều) được khởi công từ tháng 6/2016, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Mục đích của dự án là kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. Hồ Chí Minh.
Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư dự án ngăn triều này và thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Dự án xây dựng 6 cống lớn kiểm soát triều có bề rộng từ 40-160m, 3 trạm bơm và 7,8km đê/kè bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh ở các đoạn xung yếu… dự kiến thi công trong 2 năm. Nhưng đến nay, sau hơn 9 năm khởi công, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, hiện đạt 90% khối lượng công việc. Trong đó, các hạng mục cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân đạt 90%, cống Mương Chuối đạt 93%, cống Cây Khô đạt 86%, cống Phú Định đạt 88%, tuyến đê bao đạt 85%.
Để dự án khẩn trương hoàn thiện, cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án này. Lãnh đạo UBND thành phố cho rằng vướng mắc đầu tiên là chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình triển khai có sự thay đổi. Các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia.
Hiện nay, Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư không có quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi. Theo đó, dự án trong quá trình thực hiện có khả năng phát sinh dẫn đến tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỷ đồng.
Liên quan đến việc huy động nguồn vốn thi công hoàn thành công trình, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị xem xét điều chỉnh phương án thanh toán của hợp đồng BT đã ký kết theo hướng thanh toán bằng quỹ đất trước cho nhà đầu tư, tương ứng với phần giá trị dự án BT hoàn thành theo tiến độ; phần chênh lệch sẽ được thanh toán bằng tiền để đảm bảo phù hợp với quy định tại thời điểm ký kết hợp đồng.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng do dự án thuộc trường hợp chuyển tiếp theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, vướng Nghị quyết số 98 của Quốc hội và Nghị định số 35 của Chính phủ nên chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT. Để gỡ vướng khó khăn này, thành phố đề xuất Chính phủ thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo việc thoát nước, chống ngập trên địa bàn, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cũng vừa kiến nghị UBND thành phố chấp thuận bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án thoát nước tại khu vực thường xuyên ngập, đặc biệt khu vực quận Gò Vấp, Bình Thạnh. Về lâu dài, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét và phân cấp quản lý hệ thống kênh, rạch trên cơ sở đảm bảo đồng bộ từ cửa thu đến sông, kênh, rạch.
Sở Xây dựng thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư của các dự án xóa, giảm ngập thuộc kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 đẩy nhanh tiến độ thực hiện; khẩn trương bàn giao hệ thống thoát nước đã đưa vào vận hành, khai thác (gói thầu K thuộc dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 1); đảm bảo dẫn dòng, hạn chế ngập do ảnh hưởng thi công (dự án Cải tạo rạch bà Tiếng, dự án Cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên) và các dự án phát triển giao thông trên địa bàn thành phố.
Nguồn: Thời Báo Ngân Hàng – Ngọc Hậu