Tìm giải pháp hạ nhiệt giá nhà
Thị trường vắng bóng căn hộ bình dân
Tuy nhiên, giá căn hộ vẫn tiếp tục đà tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản Hà Nội tiếp tục sôi động trong quý III/2024. Theo bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội, phân khúc căn hộ cao cấp chiếm ưu thế với hơn 75% tổng nguồn cung. Giá bán sơ cấp trung bình của các dự án này dao động từ 60 triệu đồng/m2 trở lên (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), thậm chí có dự án hạng sang tại quận Tây Hồ với mức giá còn cao hơn.
Theo bà Phạm Thị Miền – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận hơn 38.000 sản phẩm mới được chào bán, nguồn cung vẫn ghi nhận sự phân hóa mạnh. Theo đó 70% nguồn cung mới đến từ phân khúc căn hộ chung cư. Trong đó, các sản phẩm có giá bán trên 50 triệu đồng/m2 trở lên chiếm phần áp đảo. Thị trường gần như vắng bóng căn hộ chung cư thương mại giá bình dân.
“Giá nhà ở hiện nay đang ở mức cao kỷ lục và có xu hướng tiếp tục tăng, đặc biệt là tại phân khúc căn hộ. Nguyên nhân chính đến từ tình trạng cung không đủ cầu và chi phí đầu tư xây dựng ngày càng tăng, trong đó chi phí đất đai chiếm tỷ lệ lớn. Việc các dự án mới chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp cũng góp phần đẩy giá nhà lên cao, khiến nhiều người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở”, bà Miền cho hay.
Bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, với mức giá chung cư tăng cao như hiện nay, người mua nhà có mức thu nhập trung bình, thấp sẽ buộc phải lựa chọn các sản phẩm thứ cấp giá rẻ, hoặc đi xa khu vực trung tâm thành phố nếu muốn sở hữu nhà ở giá vừa túi tiền.
Tăng cung ra thị trường
Theo TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chứng kiến nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhu cầu đầu tư tăng cao, giá nhà ở sơ cấp, nhất là phân khúc căn hộ – loại hình đáp ứng chủ yếu nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn – đang có xu hướng neo cao và khó có dấu hiệu giảm trong ngắn hạn. Để tối đa hóa lợi nhuận trong bối cảnh này, các chủ đầu tư đang tập trung phát triển các dự án cao cấp, đồng bộ về hạ tầng và tiện ích, đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách hàng có khả năng chi trả cao.
Ông Đính cho rằng, để giải quyết tình trạng này, cần có những giải pháp đồng bộ, như tăng cường quản lý thị trường, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà, đồng thời có những chính sách phù hợp để hạn chế đầu cơ, bình ổn thị trường.
Theo ông Vương Duy Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thời gian qua, các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực bước đầu tác động đến thị trường bất động sản như về nguồn cung, giao dịch bất động sản. Trong quý III/2024, nguồn cung của thị trường bất động sản đã được cải thiện so với trước, kể cả phân khúc chung cư, nhà gắn liền với đất, biệt thự và nhà liền kề. “Ngay sau khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực đã có nhiều dự án được triển khai và mở bán. Các luật có hiệu lực tạo điều kiện thêm nhiều nguồn cung, các doanh nghiệp và địa phương có ngay cơ sở để thực hiện”, ông chia sẻ.
Ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay cầu về nhà ở giá rẻ rất lớn, nhưng nguồn cung lại ít.
Trước thực trạng này, về giải pháp ngắn hạn, cần phát triển các dự án nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền cho người dân. Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất phát triển các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền với giá khoảng 30-40 triệu đồng/m2. Để thực hiện được, cần có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, như tạo điều kiện về quỹ đất, tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian triển khai dự án. Đối với giải pháp dài hạn, cần xem xét lại các chính sách về thuế bất động sản cho phù hợp.
Nguồn: Thời Báo Ngân Hàng – Hà Sơn